Thúc đẩy khởi nghiệp từ hoạt động tư vấn nghề nghiệp, việc làm

Đăng lúc: 21/04/2025 (GMT+7)
100%

Ngày 19/4, tại Thành phố Hồ Chí Minh, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) tổ chức hội thảo “Giải pháp Thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo của học sinh từ các hoạt động tư vấn nghề nghiệp, việc làm”.

 Hội thảo là hoạt động nằm trong chuỗi sự kiện Ngày hội Khởi nghiệp Quốc gia của học sinh, sinh viên lần thứ VII; tổng kết, đánh giá Đề án 1665 của Chính phủ "Hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp đến năm 2025".


Quang cảnh hội thảo

Bắt đầu cho một hành trình khởi nghiệp

Phát biểu tại hội thảo, Thứ trưởng Nguyễn Thị Kim Chi cho rằng, năm 2025 là năm chứng kiến sự thay đổi, biến động, theo một tinh thần, khí thế của một cuộc cách mạng, thúc đẩy khát vọng thay đổi ở mỗi người, vượt lên chính mình, là khát vọng vươn mình của cả dân tộc.


Thứ trưởng Bộ GDĐT Nguyễn Thị Kim Chi phát biểu khai mạc hội thảo

“Bộ GDĐT chọn vấn đề của hội thảo hôm nay, bởi đó là giải pháp, là bắt đầu cho một hành trình khởi nghiệp, là tư vấn nghề nghiệp, việc làm cho học sinh”, Thứ trưởng nhấn mạnh.

Theo Thứ trưởng, cốt lõi của Chương trình giáo dục phổ thông 2018 là phát triển năng lực, nhận diện tố chất, hướng dẫn phương pháp học tập, thay cho việc truyền thụ kiến thức. Do đó, Đề án 1665 thực hiện ở bậc phổ thông được xác định là thời điểm vàng, là cơ hội thành công cho tương lai của học sinh. “Chương trình ở bậc học trung học không chỉ truyền thụ kiến thức mà còn xây dựng, định hướng, tư duy, bồi dưỡng phương pháp để các em xác định được hướng đi đúng, phù hợp với tố chất, năng lực của mình”, Thứ trưởng nói.

Nhấn mạnh công nghệ, khoa học, kỹ thuật tạo nên giá trị phát triển bền vững, Thứ trưởng Nguyễn Thị Kim Chi cho rằng, việc tiếp nhận kiến thức hiện nay của học sinh được hỗ trợ rất lớn từ công nghệ, từ khoa học. Vì vậy, thầy cô giáo đóng vai trò quan trọng, là những người định hướng, giúp các em mở ra cánh cửa tương lai của chính cá nhân mình.

Chuyển biến rõ nét trong nhận thức

Tại hội thảo, các ý kiến tham luận, góp ý, trao đổi nhằm đưa ra các giải pháp thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của học sinh thông qua các hoạt động tư vấn nghề nghiệp, việc làm.


Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Phổ thông Đỗ Đức Quế thông tin tại hội thảo

Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Phổ thông Đỗ Đức Quế thông tin: Trong những năm gần đây, công tác hỗ trợ học sinh khởi nghiệp, đổi mới, sáng tạo đã có nhiều chuyển biến tích cực. Đặc biệt là lồng ghép nội dung giáo dục khởi nghiệp vào chương trình giảng dạy. Thông qua đó, học sinh không chỉ được tiếp cận kiến thức, mà còn được rèn luyện tư duy giải quyết vấn đề, năng lực sáng tạo và khả năng tổ chức thực hiện các ý tưởng.

Tính riêng trong giai đoạn từ năm 2020 đến 2024, cả nước ghi nhận khoảng 8.700 dự án khởi nghiệp từ học sinh phổ thông. Đây là con số đáng khích lệ, phản ánh rõ nét sự chuyển biến trong nhận thức, tư duy và hành động của học sinh.


Phó Vụ trưởng Vụ Học sinh, sinh viên Trần Văn Đạt trao đổi tại hội thảo

Để thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo của học sinh, Phó Vụ trưởng Vụ Học sinh, sinh viên Trần Văn Đạt khẳng định: Đội ngũ giáo viên đóng vai trò quan trọng trong công tác này. “Giáo viên phải được đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn, nâng cao nhận thức, trình độ về khởi nghiệp, về tư vấn nghề nghiệp, việc làm mới có những phương pháp tư vấn, truyền tải, thúc đẩy đam mê khởi nghiệp cho các em học sinh”, ông Trần Văn Đạt nói.

Nhiều giải pháp nhằm triển khai hiệu quả

Đề xuất cần thiết lập cơ chế hợp tác giữa nhà trường và doanh nghiệp, TS Lê Thị Duyên, Trường Đại học Sư phạm, Đại học Đà Nẵng, lưu ý việc xây dựng khung pháp lý, quy chế phối hợp phải cụ thể, rõ ràng, có tính ràng buộc và đảm bảo lợi ích hài hòa cho cả nhà trường và doanh nghiệp khi tham gia vào hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp, hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.

Theo TS Vũ Đình Bảy, Phó Hiệu trưởng Trường Cán bộ quản lý giáo dục Thành phố Hồ Chí Minh, cần cá nhân hóa tư vấn hướng nghiệp, không áp dụng một "công thức chung" cho tất cả học sinh. Để làm được điều này, cần tìm hiểu sâu về từng cá nhân, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của các em, qua đó, thiết kế những lộ trình hướng nghiệp riêng biệt và cung cấp những hỗ trợ phù hợp.


Các đại biểu tham dự hội thảo 

Kết thúc hội thảo, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Phổ thông Đỗ Đức Quế tiếp thu các ý kiến, trao đổi, góp ý và nhận định: Năm học 2024 – 2025 là năm hoàn thành chu trình đầu tiên Chương trình giáo dục phổ thông 2018 trên toàn quốc. Sau khi đánh giá, từ năm học tiếp theo, ngành Giáo dục cần xây dựng kế hoạch, thực hiện phát triển chương trình một cách bài bản hơn, chiều sâu hơn và hiệu quả hơn.

Ông Quế cũng lưu ý các sở GDĐT, các nhà trường việc thông qua những hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp, nghiên cứu khoa học kỹ thuật ở cấp học phổ thông để hình thành tư duy, thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp; đồng thời lưu ý về cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên, tài liệu, nội dung… để triển khai hiệu quả công tác này.